Lấy mẫu sản phẩm kiểm tra lần cuối trước khi lô hàng được xuất đi của Công ty 2-9.
Giá liên tục sụt giảm
Nếu như trước đây, Châu Phi và Trung Quốc được coi là những thị trường dễ tính bởi không yêu cầu khắt khe về yếu tố kỹ thuật nên nhiều DN xuất khẩu dễ dàng thâm nhập thì gần đây, nông sản địa phương lại tiếp tục có mặt ở các quốc gia khó tính hơn, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng nhưng được giá hơn. Hiện cà phê nhân của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã có mặt trên 50 quốc gia trên thế giới, trong đó, tỷ lệ hàng xuất đi các nước Châu Âu đạt 60%. Đáng chú ý, Nhật Bản được đánh giá là thị trường rất khó tính, thế nhưng, sản phẩm của Công ty cũng đã có mặt tại đây từ nhiều năm nay với tỷ lệ xuất khẩu chiếm 20% tổng sản lượng cà phê xuất đi các nước của Công ty. Tương tự, sản phẩm cà phê chế biến của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái cũng đã xâm nhập được 20 quốc gia, chủ yếu ở khu vực châu Á.
Đầu ra cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này không còn quá khó khăn như những năm về trước, nhưng DN lại gặp khó trong vấn đề thu gom hàng trong nước để phục vụ xuất khẩu. Tuy là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng nhiều DN xuất khẩu cà phê liên tiếp gặp vấn đề về nguồn nguyên liệu đầu vào. Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty 2-9 cho hay, quý I-2016, DN đã xuất khẩu 27.000 tấn cà phê nhân, trị giá 42 triệu USD. Dù lượng xuất khẩu vẫn được giữ vững so với năm trước, nhưng DN cũng khá vất vả vì nguồn thu mua rất hạn chế.
Theo nhiều DN, từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước liên tiếp sụt giảm, hiện dao động ở mức 32.000 đồng/kg, giảm từ 6.000-8.000/kg đồng so với cùng kỳ năm trước, do vậy, nông dân e ngại bán ra, trong khi đó, giá xuất đi cũng thấp khiến nhà xuất khẩu không thể mua cao hơn được nên gặp rất nhiều trở ngại trong việc gom hàng.
Thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm, theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh thực hiện trong quý I-2016 đạt 110 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 16,17% so với kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân 40.000 tấn, cà phê hòa tan 900 tấn, cao su 1.400 tấn, tiêu hạt 750 tấn, sản phẩm sắn 21.000 tấn, sản phẩm ong 1.900 tấn… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường thế giới giá tăng, giảm thất thường, người dân hạn chế bán ra khiến nguồn cung giảm nên DN không gom được nhiều hàng để xuất khẩu.
Một góc phân xưởng đóng bao sản phẩm nông sản của Công ty 2-9.
Giữ vững thị trường truyền thống
Cạnh tranh ở “sân người” với không ít gian nan vất vả, nên để tránh rủi ro về giá, nhiều DN cho biết, trong năm nay sẽ chưa tính đến chuyện phát triển thị trường xuất khẩu mới.
Việc chưa tính đến mục tiêu mở rộng thị trường trong năm nay không có nghĩa là DN sẽ đứng trước nguy cơ phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Ông Hùng cho hay, DN đã có đối tác ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Đến thời điểm hiện tại, DN không lo về đầu ra cho sản phẩm nhưng lại lo về giá, thị trường biến động liên tục nên việc làm thế nào để tránh rủi ro về giá luôn được DN cân nhắc. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái cũng chia sẻ, sản phẩm cà phê chế biến của đơn vị xuất đi có thị trường tiêu thụ khá ổn định, nhưng trước sự bấp bênh về giá, DN không ký hợp đồng dài hạn với đối tác như trước đây mà chỉ ký theo quý. Thêm vào đó, để thiết lập quan hệ với một khách hàng ở thị trường mới cần rất nhiều thời gian, có khi phải mất từ 2-3 năm mới lấy được đơn hàng, bởi phải qua rất nhiều khâu như gửi, test mẫu, công bố các chỉ số về chất lượng, hương vị theo yêu cầu của đối tác.
Gặp nhiều khó khăn trong thu mua sản phẩm phục vụ xuất khẩu, nhiều DN đặt ra mục tiêu giữ chân những khách hàng truyền thống của mình bằng việc linh hoạt, chủ động tìm kiếm nguồn hàng bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của đối tác. Việc chăm chút cho chất lượng sản phẩm được DN chú trọng từ những điều rất nhỏ như đầu tư tiền tỷ để trang bị dây chuyền làm sạch hạt phê, loại bỏ tạp chất, hạt lồi, đen; tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến và cam kết giao hàng đúng thời hạn…
Theo Baodaklak.vn