Tìm hiểu TT cà phê – Kỳ hạn – Bán khống – Mua đón
I- Kỳ hạn
Lịch sử về sự ra đời kỳ hạn hay còn gọi là thị trường tương lai hiện vẫn còn nhiều tranh luận và chưa có một tài liệu nào khẳng định sự khởi nguồn của nó, nước nào là tiên phong trong việc phát minh ra loại thị trường này?
Nhưng có lẽ người ta dễ dàng đồng ý với nhau ở một số điểm quan trọng rằng:
Căn bản kinh doanh của Thị trường kỳ hạn có nguồn gốc bắt đầu từ thị trường gạo của Nhật bản vào khoảng thế kỷ 17.
Do sự phát triển về nông nghiệp tại Mỹ trong khoảng những năm 1840 đã biến Chicago thành một trung tâm nơi nông dân đổ về để bán sản phẩm của mình. Cũng trong khoảng thời gian này loại máy gặt lúa mỳ do McCormick phát minh càng thúc đẩy ngành trồng lúa mỳ phát triển. Và thị trường kỳ hạn của Chicago cũng bắt đầu từ đây.
Năm 1870 thị trường giao dịch bông vải tại New York (New York Cotton Exchange NYCE®) được thành lập.
Năm 1882 Thị trường giao dịch cà phê tại New York có giao dịch hợp đồng đầu tiên.
Buổi sơ khai của thị trường kỳ hạn nói chung dành cho một số mặt hàng là bắt nguồn từ sáng kiến của người Nông dân khi họ phải đối mặt với những vấn đề nan giải như được mùa thì giá sụt, vào thời điểm thu hoạch thì bị ép giá bởi lượng hàng được bán ra ồ ạt, lúc giáp hạt thì giá tăng nhưng người nông dân lại không được hưởng phần lợi nhuận đó. Sự thiếu thống nhất giữa các vùng trong hệ thống đo lường số lượng cũng như phương pháp kiểm định chất lượng cũng là cái cớ để nông dân bị giới thương nhân ép giá.
Ngay cả giới thương nhân cũng gặp những rủi ro lớn trong kinh doanh khi gặp phải những biến động giá cả nông sản do bị ảnh hưởng thời tiết, vận chuyển v.v.. gây nên.
Điều mà Nông dân muốn là làm sao có thể bán được sản phẩm của mình khi thấy giá tăng mà không bắt phải giao hàng ngay (vì lúc đó đã có hàng đâu mà giao?), hay ít nhất là thấy mức giá đó là đã đủ để cho mình có thể tái đầu tư và nuôi sống gia đình. Họ cũng muốn làm sao có cơ hội để bán/giao rải hàng ra trong các tháng chứ không phải như trước đây luôn phải bán/giao ngay sau thời điểm thu hoạch.
Sơ lược qua lịch sử như vậy để chúng ta có thể khẳng định rằng Thị trường kỳ hạn nguyên bản là Của Nông Dân, Do Nông Dân và Vì Nông Dân.
Tuy nhiên theo đà phát triển của xã hội cũng như những bất cập nội tại trong việc xác định giá cả, thời gian mua bán, thời gian giao hàng, vấn đề xù hàng không giao v.v… người ta phải đề ra thêm những luật chơi trong thị trường này ngày càng chặt chẽ và phức tạp hơn, buộc Nông dân phải tự mình nâng cao những kiến thức cần thiết về thị trường để cùng với những nhà kinh doanh hoạt động trong một môi trường chung.
II- Bán khống
Bán khống là một cái quyền và là điều bình thường diễn ra trên thị trường kỳ hạn. Không hề có chuyện lừa đảo bởi bán cái mình không có ở đây. Những ai đang có suy nghĩ về vấn đề bán khống là lừa đảo thì nên dành thời gian để tìm hiểu nhiều vấn đề thiết thân hơn với chính mình.
Ngoại trừ nguyên nhân sợ ăn trộm hái mất, có một nguyên nhân nữa khiến cho nhiều Nông dân buộc phải hái cà phê xanh như hiện nay, mặc dù biết như vậy là sản lượng sẽ giảm so với hái quả chín, nhưng vì họ ngại rằng phần tăng sản lượng nhờ hái trái chín đó liệu có đủ bù phần giá bị giảm khi cà phê được tung ra ồ ạt trong thời gian tới ???
Giả sử chúng ta đang có một tổ chức thị trường kỳ hạn tốt cho Nông dân trong thời điểm hiện nay thì Nông dân sẽ có quyền quyết định bán khống lượng cà phê đang nằm trên vườn của mình và giao hàng tháng Giêng 2011 là 1.986$ – (trừ lùi + chi phí trị trường + kho bãi…).
Một nhà kinh doanh khi đang ở vào thời điểm chưa thu hoạch, dựa trên dự đoán của riêng mình cho rằng vào thời điểm thu hoạch kết hợp với nhiều phân tích khác nữa giá sẽ hạ, cũng có quyền bán khống và chờ đến thu hoạch mới mua vào. Tất nhiên nếu dự đoán của họ sai thì họ sẽ trả giá còn nếu ngược lại thì thắng to.
Những nhà đầu cơ, những nguồn vốn lớn thường có những chuyên gia phân tích, nhận định riêng của mình, dựa trên những nguồn thông tin chuyên nghiệp đáng tin cậy. Sau khi tổng hợp họ cho rằng tại một thời điểm trong tương lai nào đó giá sẽ sụt giảm thì họ cũng có quyền bán khống để đến khi giá sụt thì mua.
Nói chung những thành phần trên tại một thời điểm nào đó họ là những nhà đầu cơ giá xuống.
III- Mua đón đầu, hay mua trước.
Ngược lại với bán khống là mua vào trước một khi mà người ta cho rằng giá sẽ tăng trong tương lai, người mua có quyền chọn thời gian lấy hàng vào một kỳ hạn nào đó trong tương lai.
Chẳng có gì là sai trái hay phạm pháp khi một nhà rang xay để bảo đảm cho kế hoạch rang xay của mình được luôn có hàng cho chế biến, họ sẽ tùy vào tình hình thị trường, tùy vào kế hoạch SX mà mua hàng tại một giá nào đó và yêu cầu giao vào một thời hạn nào đó trong tương lai.
Một nhà kinh doanh có lòng tin rằng chính sách tạm trữ trong tương lai của Chính phủ sẽ tác động tích cực lên giá cà phê thì anh ta cũng có quyền vay tiền Ngân hàng để mua vào ngay bây giờ theo thể thức kỳ hạn.
Giả sử một Nông dân đang có hàng gởi tại Trung Tâm Giao dịch Cà phê để lấy đó như một thứ thế chấp thì anh ta vẫn có quyền ra lệnh mua vào thêm nữa bởi tin chắc rằng giá sẽ tăng trong tương lai. Nếu giá tăng thật anh ta lại ra lệnh bán ra lượng đã mua, hoặc nếu giá sụt đi thì lượng hàng anh ta đang gởi tại Trung Tâm sẽ hao mòn bớt.
Những người vừa nêu trên tại một thời điểm này có thể gọi là những người đầu cơ giá tăng.
Nhân tiện tôi cũng xin nói thêm rằng những nhà đầu cơ kể trên về mặt luật pháp không hề phạm tội gì cả. Quan điểm cho rằng họ là những người không làm ra sản phẩm, không có trách nhiệm mà chỉ ăn hớt phần chênh lệch là một quan điểm rất xưa cũ và không còn đúng với thời đại, đi ngược lại kinh tế thị trường cũng như ngăn cản tư tưởng mở cửa để hòa nhập với thế giới.
Nhìn lại lịch sử của người đi trước để thấy rằng vấn đề Nông dân và Thị trường của chúng ta cũng không có con đường đi khác. Sự ra đời của một mạng lưới giao dịch có tổ chức chân rết sâu rộng từ Sàn Giao Dịch cho đến vườn của người nông dân nên là điều cần nghĩ đến vào lúc này để thay thế cho một hệ thống đại lý tự sinh tự phát đã ẩn chứa quá nhiều rủi ro cho Nông dân trong thời gian qua.