Giá trừ lùi là gì, và cách tính giá trừ lùi như thế nào?
Chúng tôi xin được trích một phần trong bài viết “Tìm hiểu TT cà phê – Phần 3: Thông tin và tác động” của anh Kinh Vu với mong muốn giải đáp phần nào những thắc mắc đó. Mời bà con cùng tìm hiểu và tham gia thảo luận về vấn đề “Giá trừ lùi ở Việt Nam”.
Nói đến vấn đề trừ lùi (Differential) đầu tiên chúng ta phải định nghĩa rằng giá cả mà chúng ta nhìn thấy giao dịch trên thị trường hàng ngày là giá hàng giao tại cảng đến, về lý thuyết thì khi mua cà phê thì người ta thường nói rằng: Giá cà phê giao tháng 9 tại cảng A hôm qua đã kết thúc ở mức 1730$ như vậy nếu người mua chỉ yêu cầu bạn giao tại cảng của người bán mà ta thường gọi là FOB Hồ Chí Minh, FOB Hải phòng… thì đương nhiên họ phải trừ đi một khoản để còn chi phí cho vận chuyển, bảo hiểm…
Lâu dần theo sự biến hóa của thị trường, khoản trừ lùi này không chỉ vì những lý do nêu trên mà còn vì chất lượng, uy tín của thương hiệu cà phê của nước này so với nước khác, nên khoản trừ lùi đó sẽ khác nhau, khi ta nói giá cà phê tháng 9 hôm qua tại London giá 1730USD/tấn, thật sự đó là nói tắt thôi chứ chưa đủ nghĩa, mà còn chỉ định rõ cà phê đó chất lượng như thế nào nữa, trong giới mua bán cà phê thì ai cũng ngầm hiểu đó là loại cà phê R2 với 1% tạp chất, 5% đen vỡ, 13% độ ẩm, 90% trên sàng 13 (5ly), bởi đây là loại cà phê có chất lượng mà khả năng chúng ta có thể chế biến được hồi xưa.
Cũng trong cùng thời điểm đó nhưng cà phê nước bạn có một tiêu chuẩn khác tốt hơn loại vừa nêu thì rõ ràng giá trừ lùi sẽ ít hơn.
Hiện nay về mặt chất lượng xuất khẩu thì chúng ta đã tiến bộ rất nhiều nhờ thiết bị chế biến hiện đại hơn, những nhà chế biến của chúng ta đã đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn rất nhiều và vì thế mà không những mua cà phê của họ không bị trừ lùi mà còn phải nói là “London Cộng” tức là giá London cộng thêm nữa.
Đã xưa rồi cái thời mấy ông nước ngoài khi thấy năm nào có nắng tốt, cà phê ít đen thì đòi mua cà phê với tiêu chuẩn 8% đen vỡ (để mà trừ được nhiều hơn) còn năm nào mưa nhiều thì hỏi mua cà phê 5% đen vỡ. Những kiểu chơi như thế nay đã bị điểm mặt xưng tên.
Bây giờ chúng ta quay trở lại với kiểu mua bán trừ lùi.
Ví dụ ở thời điểm hiện nay (tháng 7) tôi đồng ý bán cho người mua 10 tấn tính theo giá thị trường London giao tháng 9 trừ lùi 100$, thì có nghĩa từ đây cho đến ngày thông báo đầu tiên (First Notice Day) của giao hàng tháng 9, tức là khoảng vào ngày 02/10, trong khoảng thời gian này vào bất kỳ ngày nào tôi cảm thấy đẹp trời là tôi có quyền gọi ra lệnh chốt giá, ngay cả khi vừa ký hợp đồng xong tôi cũng có quyền gọi chốt giá ngay.
Như vậy qua đó chúng ta thấy bản chất của việc bán trừ lùi không có gì là sai hay rủi ro cả, vấn đề người ta bàn tán bán trừ lùi là rủi ro thì lại nằm ở những điểm khác:
Chúng ta chưa bao giờ làm chủ được mức trừ lùi (hay giá trừ lùi) mà do người mua áp đặt, những người mua cho dù ở Châu Âu hay Châu Mỹ nhưng kỳ lạ một điều là họ luôn đặt ra được một mức trừ lùi thống nhất cho tại một thời điểm mua nào đó, trong khi cùng là người Việt Nam chúng ta lại không làm được điều tương tự.
Khi bán trừ lùi, chúng ta để cho người mua thống kê được tổng lượng hàng mà chúng ta đã bán và sẽ giao nhưng chưa chốt giá xem như số phận của chúng ta đang chờ thị trường phán quyết, khác với bán chốt giá ngay thì số phận do chúng ta tự định đoạt.
Từ đó họ nắm chắc trong tay số hàng họ sẽ có được vào ngày nọ tháng kia cho nên trừ khi núi lửa phun lên ở những vùng trồng cà phê Brazil họ mới nhảy ra nâng giá mua. Trong khi đó chúng ta không hề có một sự thống kê nào đáng tin cậy (hay là tôi không tìm thấy thống kê đó, nếu ai biết xin chỉ cho xem với) cho giới kinh doanh khả dĩ biết rằng hiện nay giới kinh doanh trong nước đã bán được khoảng bao nhiêu phần trăm ở dạng trừ lùi với những mức trừ lùi như thế nào rồi, nếu biết được điều đó, tôi tin chắc những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam sẽ có sự định hướng cần thiết phải bán kiểu gì trong thời gian tới.
Chính vì sự đủng đỉnh của người mua khi đã biết có bao nhiêu cá trong đìa cho nên khi gọi đặt giá chốt trên thị trường sau những thời điểm này rất khó để mà khớp lệnh, bởi số lượng sắp hàng chờ đến phiên bạn khá dài, nóng ruột, sợ giá rớt thêm người bán lại hạ giá đặt lệnh xuống và cứ tranh nhau làm như thế khiến cho nhiều khi giá cà phê như xuống đèo mà thắng mất hơi, đến nước này thì bán London cộng cũng chết nữa là trừ lùi.
Sẽ có nhiều người đọc đến đây và hỏi vậy tại sao những nhà kinh doanh cà phê Việt Nam lại bán trừ lùi? Như tôi đã nói, thật ra sự bán trừ lùi không có tội tình gì cả nếu điều hành vĩ mô có một công cụ tốt hơn để giúp cho những nhà kinh doanh thống nhất với nhau về chiến lược. Nhưng thật tình vấn đề không chỉ ở đó mà còn ở một điểm khác nữa đó là tình hình sức khỏe tài chính của các công ty xuất khẩu cà phê Việt Nam mà những tay tài phiệt nước ngoài hiện nắm rất rõ.
Chúng ta đã thấy rất nhiều lần giá cà phê nội địa cao hơn giá thế giới (đây lại thuộc về một câu chuyện khác nữa) tại thời điểm như vậy thì bán làm sao, chốt giá ngay cũng lỗ mà trừ lùi cũng thấy ngay cái lỗ trước mắt, nhưng nhiều công ty vẫn phải bán để có hợp đồng làm cơ sở cho việc vay tiền, mà tiền lúc đó không phải để mua cà phê mà để đáo hạn Ngân hàng, tất nhiên trong trường hợp này không ai bán chốt giá ngay mà phải bán dạng trừ lùi để còn nuôi hy vọng (trong tuyệt vọng) là từ đây đến ngày mình chốt giá sẽ còn có cơ hội giá lên. Chúng ta chưa có được khả năng chủ động tài chính để mà lúc nào tốt thì bán, lúc nào giá không tốt thì nghỉ đi chơi.
Kinh Vu
Bottom of Form