Loading...
Ngành cà phê Việt và 'cuộc chơi' của giới thương lái
Hầu hết nông dân trồng cà phê nước ta phải bán sản phẩm cho thương lái nên gặp rất nhiều rủi ro do bị ép giá, bị quỵt tiền khi đại lý thu mua tuyên bố vỡ nợ. Không thể phủ nhận vai trò của thương lái, nhưng vấn đề là làm sao thúc đẩy được vai trò tích cực của đối tượng này trong chuỗi ngành hàng cà phê.
Hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê.
“Mặc dù cà phê là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3 tỷ USD mỗi năm, thế nhưng chúng ta chỉ thu được vài % lợi nhuận, còn lại nước ngoài hưởng hết”. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh.
Bên cạnh nguyên nhân do cà phê của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp, còn là vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định: “94,5% người nông dân tham gia vào chuỗi cà phê, nhưng 1 ha của họ được 3-5 tấn thì bán lượng đó với giá trị gia tăng không đáng kể, nhưng thương lái, trung gian được thu lợi rất cao. Mua bán cà phê qua thương lái có rất nhiều rủi ro về chất lượng. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp trong hiệp hội họp bàn nhiều, nhưng các doanh nghiệp lớn đều bảo: không làm thế nào để thoát ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được”.
Theo Vicofa, hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê. Năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê còn chưa chuyên nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp kinh doanh chế biến cà phê không đủ khả năng để thu mua cà phê trực tiếp tại vườn hộ của nông dân.
Có tới 90% số các doanh nghiệp trong nước và 100% số các doanh nghiệp FDI thu mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, cho nên chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao.
Nhắc tới ngành hàng cà phê, người ta hầu hết chỉ nghĩ tới người nông dân trồng cà phê, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và nhà chế biến. Nhưng còn một tầng lớp rất quan trọng lại chưa được đánh giá vai trò của mình, đó là những thương nhân, thương lái “cấp làng xã”.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), thì hiện chỉ có 10% lượng cà phê nông dân sản xuất ra được bán trực tiếp cho các công ty lớn; 90% lượng cà phê còn lại được thu gom bởi các thương lái trung gian.
Khác với nhiều cộng đồng trồng cà phê trên thế giới như Brazil hay Ethopia, ngành hàng cà phê Việt Nam mang tính nhỏ lẻ, nông dân trồng cà phê với diện tích hẹp và manh mún. Bởi vậy, việc thu mua sản phẩm không thể làm theo quy mô lớn mà phải phụ thuộc vào những thương nhân địa phương.
Hiện nay, do lượng cà phê của người dân tương đối nhiều nên xu hướng chung người trồng cà phê là họ thích bán cà phê tươi. Chính vì vậy thương lái là đầu mối quan trọng để nối liền người trồng cà phê với thị trường. Nếu không có đội ngũ thương nhân thu mua, nông dân sẽ không thể bán cà phê một cách nhanh chóng, các công ty cà phê lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để thu gom.
Những thương lái là tác nhân trung gian hiệu quả, giúp các công ty lớn và nông dân gặp nhau và rất cần đánh giá để phát huy vai trò trung gian của thương nhân trong việc phát triển ngành hàng cà phê. Không chỉ giữ vai trò thu mua, nhiều thương nhân cà phê còn cung cấp cả vật tư đầu vào như phân bón, giống cà phê, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân theo hình thức tín chấp trả chậm, giúp nông dân có vốn để chăm sóc cà phê mà không phải tìm tới “tín dụng đen”.
Như vậy là cần phát huy vai trò của thương nhân trong sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt chứ không phải phủ nhận. Vấn đề tuy khó nhưng đã manh nha có hướng giải quyết. Ở một số địa phương tại Tây Nguyên đã bắt đầu tạo được những mối liên kết doanh nghiệp - thương nhân - nông dân, giúp đường đi của hạt cà phê thuận lợi hơn.
Hiện nhiều công ty cà phê lớn như Intimex, Nestlé, Công ty 2.9, Công ty OLAM, Công ty ACOM... đang liên kết với hàng ngàn nông hộ và một số đại lý để thu mua theo hợp đồng liên kết.
Trong mô hình liên kết này, nông dân được tổ chức thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ năng lực liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp cà phê, hạn chế khâu trung gian. Các thương nhân ký hợp đồng với doanh nghiệp cà phê, chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, hỗ trợ và thu mua hạt cà phê của người nông dân theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cà phê lớn đảm bảo ký kết hợp đồng với nông dân và đại lý, cung cấp kỹ thuật, kinh phí, đảm bảo đầu ra bền vững cho hạt cà phê.
Đây chính là một phương hướng phát triển tốt để giúp hạt cà phê mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân, thương nhân và doanh nghiệp đồng thời xây dựng chất lượng bền vững cho hạt cà phê Việt.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- KỸ THUẬT RANG CÀ PHÊ – CÁCH RANG CÀ PHÊ NGON TẠI NHÀ
- THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.
- SẦU RIÊNG TẠI V’ORI FARM.
- SẦU RIÊNG CẤP ĐÔNG V’ORI TỪ V’ORI FARM, SỨC HẤP DẪN KHÔNG THỂ CHỐI TỪ
- CỘI NGUỒN CÀ PHÊ VIỆT CHÂN THÀNH CÁM ƠN
- ĐIỂM LẠI NHỮNG NỔI BẬT TRONG LỄ HỘI CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT 2023 TẠI CỘI NGUỒN CÀ PHÊ VIỆT
- Du lịch mùa lễ hội cà phê
- CỘI NGUỒN - KHỞI NGUỒN ĐẦU XUÂN.
- DÒNG CHẢY MÙA XUÂN.
- CHÀO XUÂN TỪ CỘI NGUỒN
- CHƯA TU và TU RỒI
- BẠN & BÈ