Chuyện ngược đời ở thủ phủ cà phê Việt
Khi lang thang quan sát, ghi chép ở Buôn Ma Thuột, nhà báo người Hà Nội sửng sốt nhận ra: nông dân trồng cà phê không thưởng thức những phin cà phê Ban Mê thơm đậm sóng sánh, mà lại thường uống cà phê hòa tan.
Ở đất café, uống… cà phê hòa tan
Khi biết nhà báo người Hà Nội vào, thèm một tách cà phê phin, người chủ một tiệm cà phê nhỏ xinh ở Buôn Ma Thuột pha ngay cho anh một ly. Vừa pha cô chủ vừa kể là cà phê này “mới ra lò” hôm qua, những hạt nâu bóng vừa mới được rang xay nóng hổi, lên hương cà phê thứ thiệt thơm đậm. Có lẽ chả có mùi cà phê nào trên thế gian này sánh bằng ly cà phê Ban Mê pha phin!
Cà phê phin có màu nâu từ cánh gián đến nâu đậm, cho đá vào sẽ chuyển màu nâu hổ phách, một màu nâu trong trẻo rất quyến rũ. Để ra ánh nắng, nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng lung linh. Nhấp một ngậm, vị cà phê đăng đắng cứ tan vào lưỡi. Do yếu tố của các thành phần acid ẩn chứa đằng sau của vị đắng trong hạt cà phê , nên khi rang với thời gian đủ và đạt đến nhiệt độ thích hợp sẽ cho vị đắng tự nhiên thanh xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, đầy tinh tế.
Thú thật, vị đậm đà sóng sánh của cà phê Ban Mê khiến nhà báo người Hà Nội này vô cùng tỉnh táo và lâng lâng phấn khích. Song, khi lang thang quan sát, ghi chép về những người nông dân trồng cà phê ở đây, anh rất lấy làm lạ, thấy họ lúc nào cũng dùng cà phê hòa tan.
Buổi sáng, trước khi lên rẫy, họ uống một ly cà phê hòa tan. Buổi trưa, anh thấy một thiếu phụ nông dân miệt mài rải đều ra sân phơi những trái cà phê chín đỏ mới hái, thỉnh thoảng dừng tay nhấp một ngụm cà phê hòa tan nóng rực. Anh buột miệng hỏi: “Sao chị không uống cà phê phin nhỉ? Tôi vừa làm một tách nâu nóng buổi sáng, thấy ngon tuyệt, hơn cả cà phê phin Hà Nội. Cà phê Ban Mê chính gốc có khác. Ngon và thơm quá.”
Bà chị vẫn không ngừng rải những trái cà phê chín, thủng thẳng: “Nông dân chúng tôi lấy đâu thời gian mà pha cà phê phin hở chú, dù biết nó rất thơm ngon. Tôi trồng rẫy cà phê tôi biết, cà phê Buôn Ma Thuột pha phin là ngon nhất trần đời. Nhưng chúng tôi bận bịu lắm, ai trồng rẫy cà phê đến mùa thu hái cũng tất bật hối hả, nên phải dùng cà phê uống liền thôi. Uống riết thành quen. Từ rẫy về nhà cũng uống cà phê hòa tan thôi, cho tiện. Giờ mà tôi uống cà phê phin trở lại, tôi lại thấy đắng, vì thiếu… ngọt ngào.”
Trong vườn là thế, ra chợ, hỏi mua cà phê hoà tan, quán tạp hoá nào cũng có. Có quán còn có hẳn một quầy chia ra một góc chỉ để trưng bày các nhãn cà phê hoà tan. Anh hỏi vì sao, cô bán hành nhanh nhẩu: “Bán được nhiều lắm đấy. Nhanh gọn lẹ mà.”
Hãy để cà phê là cảm nhận riêng của mỗi người
Dạo gần đây, báo chí tranh cãi việc uống cà phê phin hay cà phê không phin rồi kéo tới chủ đề cà phê phin là hồn Việt, cà phê không phin là ‘mất gốc’. Anh bạn nhà báo chứng kiến chuyện lạ đời ở Thủ phủ cà phê Việt thấy buồn bực vì thực tế ấy và cảm thấy tiếc khi dân chính gốc cà phê lại khó có thể uống cà phê phin như một thức uống Việt ngon thơm nhất.
Bản thân người viết, trong chuyến ghé thăm Đà Lạt gần đây, vẫn thấy người xứ cao nguyên Đà Lạt mộng mơ và nhiều vị khách châu Âu du lịch Đà Lạt vẫn giữ chắc được thói quen uống cà phê phin, nhất là vào những buổi sáng mờ sương phủ trên những đồi thông êm đềm.
Có lẽ nông dân trồng rẫy cà phê trên Buôn Ma Thuột đang quan tâm nhất đến việc trồng trọt thu hái và xuất khẩu cà phê ngon nhất Việt Nam, nên có thể hôm nay họ chịu uống cà phê hòa tan cho tiện với công việc sản xuất vốn bận rộn và nhọc nhằn. Chắc khi nào họ thong thả hơn và có thể khi họ bước vào tuổi chớm già, họ sẽ có đủ thời gian và khoái cảm để trở về với vị ngon đăng đắng thơm ngạt ngào của ly cà phê sữa nóng Hà Nội, hay ly cà phê sữa đá Sài Gòn.
Như người viết, vị nhà báo người Hà Nội nọ và những kẻ đi Tây, đi đó đi đây, từng uống cà phê pha nhanh bằng máy cho rất đông người, rất loãng, rất nóng, đựng trong trong cốc nhựa có ống hút, chạy như điên qua các dãy nhà của khuôn viên đại học, dự hội thảo ở Mỹ, ở Nga, ở Pháp, ở Đức… vẫn không thôi ao ước trở về quê nhà Hà Nội, để uống một tách cà phê nâu nóng pha phin vì cái vị đậm đà, để được cảm vị đắng tự nhiên của cà phê xen lẫn vị chua nhẹ nhàng, rất tinh tế và quyến rũ mà chỉ cà phê phin mới có hay thi thoảng ghé TP.HCM ngồi đâu đó trong hẻm nhỏ, ngắm người qua lại và thưởng thức một ly cà phê sữa đá chính hiệu Sài Gòn.
Theo Vietnamnet.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Vùng trồng cà phê ở Việt Nam
- SẼ TRỞ NÊN GIỎI HƠN NẾU DUY TRÌ NHỮNG THÓI QUEN NÀY
- TÔI HỎI...
- NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ
- “NGỐC”, CŨNG LÀ MỘT LOẠI BẢN LĨNH, MỘT KIỂU TRÍ TUỆ, MỘT KIỂU TÂM THÁI
- ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
- TRÊN ĐỜI NÀY NHỮNG THỨ QUÝ NHẤT ĐỀU MIỄN PHÍ
- 15 ĐỊNH LUẬT NGẦM CỦA CUỘC SỐNG
- TRÊN ĐỜI CHẲNG CÓ GÌ MIỄN PHÍ, NGAY CẢ KHI NÓ ĐƯỢC GHI MIỄN PHÍ
- MỘT GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC SẼ CÓ 3 ĐIỂM NÀY
- NGÀY XƯA VÀ BÂY CHỪ
- ĐỜI NGƯỜI CÓ 3 CÁI SAI: